John Ronald Reuel Tolkien được xem như cha đẻ của văn học kỳ ảo hiện đại. Thế giới Legendarium mà ông gây dựng đã trở thành một kho tàng văn hoá đồ sộ.
Cách đây 10 năm, vào thời điểm mà bộ ba tác phẩm Chúa nhẫn của đạo diễn Peter Jackson được trình chiếu cũng như là sự thịnh hành của dòng game Warcraft tại Việt Nam, không ít người trẻ đã bị cuốn hút và cảm thấy say mê với thế giới của những nhân vật thần thoại như Elf, Orc, hay Dwarf ….
Lúc đầu, đa số chúng ta chỉ biết đó là những nhân vật thần thoại của Bắc Âu. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn, nhiều người đã có thể phân biệt được sự khác biệt và sự tương đồng giữa dòng thần thoại Bắc Âu cổ điển với dòng thần thoại hiện đại (tiêu biểu nhất chính là Legendarium).
Người khai sinh ra thế giới Legendarium
Có lẽ sẽ là một cảm giác thú vị, ngưỡng mộ, pha cùng với sự choáng ngợp khi biết rằng cả 1 hệ thống thần thoại đồ sộ Legendarium mà bộ 3 Chúa nhẫn chỉ là một phần trong đó lại được tạo ra chỉ bởi một con người.
Chúa nhẫn và anh chàng Hobbit đều là một phần trong thế giới Legendarium.
Đó là một con người Công giáo, một giáo sư ngữ văn, một con người có trí tưởng tượng tuyệt vời, một nhà văn nổi tiếng của nước Anh, một nhà thông thái, một hiệp sĩ được ban tước bởi nữ hoàng Elizabeth II và trên hết là một con người khát khao hòa bình . .. đó chính là John Ronald Reuel Tolkien (thường được viết tắt là J.R.R.Tolkien).
J.R.R.Tolkien sinh năm 1892 và mất vào năm 1973, 2 tác phẩm được biết tới nhiều nhất của ông là anh chàng Hobbit và Chúa tể của những chiếc nhẫn.
2 tác phẩm này đều nhắc đến vai trò to lớn của những người Hobbit, một chủng loài được cho là “nhỏ bé, lười biếng, nhát gan và không mấy sáng dạ” nếu so với những chủng tộc người khác của thế giới.
Người Hobbit là một giống loài thú vị và càng thú vị hơn khi sinh thời, nhiều người đã thấy được ở tính cách Tolkien có nhiều nét giống với các nhân vật Hobbit.
Lời tự sự của Tolkien
Bản thân Tolkien cũng từng khẳng định trong một số lá thư được công bố về sau này của ông, có nhiều đoạn viết rất đáng chú ý:
– “Tôi không phải là Gandalf …. Nếu có bất kỳ một nhân vật nào giống với tôi nhất thì có lẽ đó là Faramir– mặc dù tôi thiếu một tố chất có ở tất cả những nhân vật của mình: đó là sự dũng cảm.” _ lời chú thích của bức thư số 180 trong những bức thư của J.R.R.Tolkien.
Nhà văn Tolkien.
– “Tôi sinh năm 1892, trải qua những năm đầu đời tại WorcesterShire vào thời đại tiền cơ khí. Nhưng quan trọng hơn, tôi là một người Công giáo, mà thực tế là Công giáo La Mã. Người ta không nên suy diễn và liên tưởng quá nhiều từ việc tôi là người Công giáo và mang dấu ấn ảnh hưởng bởi những hình ảnh tín ngưỡng vào trong các tác phẩm của mình; mặc dù một số nhân vật như Elberth hay Galadriel được miêu tả thực sự có chút gì đó liên quan đến Đức mẹ Mary…hay chuyện tương đồng giữa bánh mì của Chúa với bánh mì của Tiên (lembas) ….
Tôi thực sự giống một người Hobbit (về mọi mặt chỉ trừ ngoại hình) . Tôi thích vườn tược, cây cối và đồng ruộng vắng bóng máy móc; tôi thích hút tẩu, thích đồ ăn đơn giản mà ngon (không bỏ tủ lạnh), nhưng ghét món Pháp; Tôi thích áo ghi lê và thậm chí còn dám mặc ngay cả trong thời đại ảm đạm này. Tôi cũng thích nấm (ở ngoài đồng); có khiếu hài hước rất tồi (ngay cả những nhà phê bình đánh giá tôi cao nhất cũng thấy chán ngán); tôi thường ngủ và dậy muộn (khi có điều kiện). Tôi không đi chu du nhiều.” _ trích từ thư gửi Deborah Webster, 1958 trong những bức thư của J.R.R.Tolkien.
Qua đoạn tự sự trong bức thư năm 1958 cho Deborah Webster của Tolkien và mãi về sau này, nhiều người hâm mộ ông vẫn một mực cho rằng: hình ảnh của Bilbo hay Frodo đều là những phác hoạ cho tính cách và con người của nhà văn lúc sinh thời mà quên đi nhân vật Faramir đã từng được ông nhắc đến.
Tolkien và những ký ức gợi cảm hứng
Tiếp nữa, quả thực có những sự liên hệ giữa cuộc đời của Tolkien với những hình ảnh trong các tác phẩm của ông:
Năm 1896, Tolkien theo mẹ dời đến Sarehole, rồi lại đến một ngôi làng ở WorcesterShire, rồi trở về Birmingham. Tolkien thích thú khám phá chiếc cối xay bằng nước ở Sarehole, rừng Moseley Bog và các ngọn đồi Clent, Lickey và Malvern.
Đó đều là những nơi sau này tạo cảm hứng cho ông sáng tạo nên khung cảnh của “Anh chàng Hobbit” và “Chúa Nhẫn” cùng với thị trấn Worcestershire và các ngôi làng Bromsgrove, làng Alcester, và làng Alvechurch cũng như trang trại Đáy Túi (Bag End) của dì Jane của ông. Bag End sau này trở thành tên ông đặt cho nơi sinh sống của anh chàng Bilbo người Hobbit.
Lúc còn nhỏ, Tolkien bị một con nhện to cắn trong vườn, một sự kiện mà sau này đã để lại một ấn tượng lớn trong các tác phẩm của ông thông qua hình tượng của nữ hoàng nhện Ungoliant, hay Shelob và những con nhện khổng lồ sống tại Mirkwood.
Thêm vào đó, bà Mabel Tolkien, mẹ của nhà văn, đã dạy cho con của mình nhiều về thảo mộc và đánh thức trong ông niềm vui được nhìn ngắm và cảm nhận cây cối. Đó là một đặc tính của người Hobbit được đề cập một chút thông qua đoạn miêu tả tính cách của Gollum lúc hắn vẫn còn là Smeagol, 1 Hobbit bình thường.
Thời gian ở tu viện Birmingham, Tolkien sống dưới bóng của tòa tháp Perrott và tòa tháp Edgbaston, những nơi có lẽ đã ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh những tòa tháp u tối trong các tác phẩm của ông.
Tolkien gặp gỡ, yêu và kết hôn với Edith Mary Bratt. 2 người thực sự có những nét chung để đồng cảm với nhau.Tolkien cũng từng có lúc liên tưởng hình ảnh 2 vợ chồng của ông với 2 nhân vật Beren và Luthien trong thiên tình ca của người Elf tại Trung Địa.
Tolkien trong những năm tháng chiến tranh
Năm 1914, nước Anh bị kéo vào thế chiến thứ Nhất. Năm sau, Tolkien nhập ngũ và bị “mắc kẹt” vào một cuộc sống mà ông không hề muốn.
Sợ hãi, chán chường, mệt mỏi trước những mâu thuẫn, xung đột giữa cái chết và sự sống, cái ác và cái thiện, nhưng vẫn phải bước tiếp vì một sứ mệnh thôi thúc.
Những con người yêu thích yên bình nhưng vẫn buộc phải dấn thân.
Hình ảnh của Tolkien giờ lại thấy giống với Frodo hơn là Bilbo. Không đơn thuần chỉ là một hành trình phiêu lưu mà là một sứ mệnh. Hòa bình cuối cùng cũng trở lại nhưng cái giá của chiến tranh luôn là sự mất mát sinh mệnh hay sự tổn thương cả về tinh thần lẫn thể xác của những người bị kéo vào nó.
Một khi chiến tranh xảy đến, ngay cả những vùng đất yên ả nhất rồi cũng sẽ bị tàn phá. Một nỗi lo sợ rất thực tế của Tolkien và ông buộc phải lao vào cuộc chiến mà ông vốn sợ hãi và căm ghét, để có thể bảo vệ những thứ mình yêu thương. Đó cũng chính là động lực lớn nhất của những người hùng Hobbit trong các tác phẩm của ông.
Sau cùng, theo lời của Tolkien, thì ông vốn không thích ngụ ngôn bằng lịch sử, ông không thích sự “hàm ý” hay “ẩn ý” , mọi thứ cứ để tự nhiên như những câu chuyện được kể ra vậy. Những câu chuyện trở thành lịch sử và lịch sử trở thành huyền thoại.
Trong suốt cả cuộc đời, Tolkien đã tạo ra và “kể lại” cả một pho lịch sử đồ sộ và đầy bi tráng về thế giới Arda cùng với những nhân vật, chủng loài và sự kiện tại đó.
Nên nhớ một điều là ông không hề thích sự “ hàm ý ”, ông chỉ kể như một người kể chuyện vĩ đại, để lại cho những người của thế hệ sau một kho tàng giá trị trong văn học thần thoại và kỳ ảo hiện đại.
Chúng ta có thể phân tích, tìm hiểu những tác phẩm của ông nhưng đừng cố gắng để tìm kiếm sự “hàm ý”, hãy tiếp nhận chúng một cách nhẹ nhàng,đơn giản và tự nhiên nhất.